Vật liệu gỗ - Những đóng góp quan trọng trong thiết kế nội thất

21

March 2018

Vật liệu gỗ - Những đóng góp quan trọng trong thiết kế nội thất

Từ xa xưa, khi mà tài nguyên thiên nhiên chưa bị khai thác hết thì người Việt thường sử dụng gỗ là nguyên vật liệu chính trong xây dựng và sản xuất đồ dùng sinh hoạt. Hiện nay, dù khoa học kỹ thuật đã phát triển, nhiều vật liệu hiện đại khác ra đời nhưng gỗ vẫn được nhiều người lựa chọn, nhất là trong thiết kế nội thất nhà ở, biệt thự, chung cư….Hôm nay hãy cùng kiến trúc Nam Cường tìm hiểu thêm về chất liệu gỗ nhé!

Tìm hiểu chung về gỗ

Tại Việt Nam, gỗ là vật liệu khá phổ biến. Ở khu Tây Bắc của Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều loại gỗ tốt và quý như: trai, đinh, mun, lác, lim, pơmu…

Hầu hết đặc trưng cho vật liệu gỗ là sự dẻo dai, giãn nở và liên kết rắn chắc. Tùy từng loại gỗ sẽ có độ co giãn, cong vênh khác khác, vì vậy để sử dụng gỗ một cách hiệu quả chúng ra phải hiểu rõ công năng và tính chất của chúng. Gỗ chưa qua chế biến bao gồm nước và xơ thân. Việc xử lý sẽ bao gồm 2 công đoạn là phơi thoát hơi nước trong gỗ và tẩm sấy. Công đoạn tẩm sấy là công đoạn quan trọng, nó làm cho các thớ gỗ được ổn định và liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Việc tẩm sấy chất sinh học của gỗ làm thay đổi khiến gỗ trở nên dẻo dai, bền chắc, chịu đựng được va đập và dễ uốn nắn trong tạo hình đồ vật.

nội thất phòng khách bằng gỗ

Gỗ là vật liệu không thể thiếu trong thiết kế nội thất hiện nay 

Với khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam, gỗ đồng thời thể hiện thế mạnh cũng như điểm yếu. Với thời tiết nóng ẩm, hanh khô thì khả năng co giãn trong gỗ thường xảy ra, khiến nó bị nứt, mối mọt, cong vênh, thậm chí là mục nát theo thời gian. Chính vì vậy, khi sử dụng các vật liệu gỗ để sản xuất đồ dùng nội thất, việc bảo quản và giữ gìn nội thất gỗ là việc không đơn giản. Gia công nội thất gỗ đa phần là những người thợ lành nghề, có kinh nghiệm, khéo léo nếu không sẽ làm phản tác dụng và công năng của gỗ. Gỗ bộc lộ những yếu điểm rõ rệt liên quan đến thời tiết, hay biến dạng công vênh, hoặc nứt nẻ…. giải pháp khắc phục những tình trạng này là cần đến sự gia công tốt và phù hợp với tính chất của gỗ.

Trong kiến trúc và nội thất, gỗ là một yếu tố không thể thiếu, những ý tưởng sáng tạo bất tận luôn đến từ gỗ. Bởi vì ưu điểm dễ nhận thấy của gỗ đó là vẻ đẹp tự nhiên cùng tính thẩm mỹ cao. Trong quan niệm văn hóa của người Việt từ xưa đến nay,  vật liệu gỗ trong trang trí bàn thờ hay cái mái đình, cột trụ đều ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới tâm linh và tín ngưỡng. Ngoài vẻ đẹp trầm ấm, tự nhiên, gỗ còn mang đến vẻ đẹp uy nghiêm, tĩnh lặng rất thích hợp trong các nội thất đình, chùa, lăng, miếu, phòng thờ….

Một trong những ưu điểm nổi trội ở vật liệu gỗ mà nhiều người yêu thích đó là không kén chọn không gian. Và khi ứng dụng trong điều kiện đòi hỏi sự linh hoạt thì gỗ có khả năng biến tấu được nhiều kiểu hình khối và phong cách khác nhau, áp dụng được cả trong hiện đại lẫn truyền thống.

Phân loại vật liệu gỗ

Chất liệu gỗ tự nhiên

Gỗ tự nhiên là loại gỗ được khai thác từ những khu rừng tự nhiên hay từ rừng trồng lấy gỗ, lấy nhựa, lấy tinh dầu hoặc lấy quả có thân cứng chắc. Hiện tại trên thế giới có rất nhiều loại gỗ tự nhiên khác nhau. Nhờ sự khác biệt về thời tiết, khí hậu, môi trường sống, đất trồng mà các cây gỗ mang màu sắc đa dạng giúp cho các sản phẩm nội thất làm từ gỗ mang những vẻ đẹp riêng biệt mà không vật liệu nào có thể thay thế.

thiết kế nội thất bằng gỗ

Gỗ tự nhiên luôn có bề mặt đẹp, kết cấu đồng chất, cứng cáp và chế tác được đồ dùng với nhiều kiểu dáng khác nhau. 

Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được sản phẩm nội thất làm từ gỗ tự nhiên chuẩn? 

- Mẫu mã đa dạng: Những đồ nội thất được làm từ gỗ tự nhiên thì sẽ đa dạng về mẫu mã và kiểu cách. Trên thân sản phẩm thường được điêu khắc hoa văn tinh tế làm gia tăng nét đẹp sang trọng cho món đồ. Hoa văn thường chạm trổ không đều tùy theo lực tay và kinh nghiệm của người thợ điêu khắc.  Đây là điều mà gỗ công nghiệp không bao giờ có thể làm được. 

- Kết cấu đầu gỗ: Quan sát kết cấu phần đầu gỗ ở sản phẩm thì bạn có thể nhận biết được đấy có phải gỗ tự nhiên hay không. Cụ thể, gỗ tự nhiên sẽ có những đường vân gỗ chạy từ mặt trước ra phần hông và vòng về mặt sau của sản phẩm, tạo nên sự thống nhất liền 1 khối. Các vân gỗ có sự đan xen hài hòa. Nếu bạn quan sát đường vân gỗ không chạy từ trước ra sau mà có sự đứt đoạn thì có thể sản phẩm ấy bị cắt ghép hoặc không phải làm từ gỗ tự nhiên. 

- Họa tiết gỗ: Với gỗ tự nhiên, những người nghệ nhân có thể chế tạo ra các họa tiết mang tính mỹ thuật cao. Điều này thường không làm được đối với gỗ công nghiệp vì được sản xuất theo những tấm có độ dày cố định, giới hạn và không thể ghép lại với nhau như gỗ tự nhiên.

- Không thấm nước, độ bền chắc cao: Gỗ tự nhiên rất dẻo dai và liên kết chắc chắn nên chịu được sự va đập và dễ uốn nắn trong việc tạo hình. Ngoài ra, đồ nội thất làm từ gỗ tự nhiên không thấm nước, không bị giãn nở, cong vênh hay biến dạng khi tiếp xúc trực tiếp với nước, tất nhiên phải được chế tác, tẩm sấy kỹ lưỡng.

Chất liệu gỗ công nghiệp

Gỗ công nghiệp được làm từ các nguyên liệu thừa, nguyên liệu tận dụng, tái sinh, ngọn cành của cây gỗ tự nhiên. Nội thất gỗ công nghiệp thường có 2 thành phần cơ bản là cốt gỗ  và lớp bề mặt. Hiện nay, có rất nhiều cốt gỗ công nghiệp khác nhau như: Cốt gỗ ván dăm MFC, Cốt gỗ MDF, cốt gỗ HDF và cốt gỗ dán. Lớp bề mặt phủ ngoài lớp cốt gỗ thì có những loại phổ biến sau: bề mặt Melamine, bề mặt Laminate, bề mặt Veneer, bề mặt Vinyl.

nội thất gỗ công nghiệp

Gỗ công nghiệp với phần cốt lõi gồm rất nhiều gỗ vụn, dăm được ép và liên kết với nhau bằng keo dán chuyên dụng 

Nhận biết sản phẩm làm từ gỗ công nghiệp cũng rất đơn giản. Cụ thể như sau:

- Quan sát mẫu mã: Những đồ nội thất được làm bằng gỗ công nghiệp khá đơn điệu về mẫu mã nhưng lại đa dạng về màu sắc (xanh, đỏ, vàng, nâu… tùy theo sở thích của khách hàng). Gỗ công nghiệp không thể chạm trổ như gỗ tự nhiên nên sản phẩm nội thất đơn giản, không có hoa văn. 

- Quan sát kết cấu đầu gỗ: Gỗ công nghiệp thường dễ bị bong tróc nên thợ thủ công phải tạo 1 lớp keo và bột ở phần đầu gỗ. Điều này khiến mặt vân gỗ không nối liền từ trước ra sau như gỗ tự nhiên. 

Ưu điểm của gỗ công nghiệp:

- Giá rẻ: Gia công sản phẩm từ gỗ công nghiệp đơn giản, không phải trải qua nhiều giai đoạn chế biến nên tốn ít nhân công hơn. Điều này kéo theo chi phí sản phẩm rẻ hơn so với nội thất gỗ tự nhiên. 

- Không cong vênh: Đây là đặc điểm nổi bật của gỗ công nghiệp. 

- Thời gian thi công nhanh: Gỗ công nghiệp sản xuất hàng loạt trên dây chuyền hiện đại theo dạng tấm. Thợ thi công chỉ việc cắt, ghép, dán không tốn nhiều công sức. 

- Nội thất gỗ công nghiệp với kiểu dáng đơn giản, không có hoa văn nên rất phù hợp với những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại, trẻ trung. 

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng nội thất gỗ công nghiệp vẫn có những hạn chế như: độ bền không cao, đặc biệt là rất dễ thấm nước. Nếu cốt gỗ đã thấm nước thì món đồ rất nhanh hỏng. Vì vậy bạn cần cân nhắc và lựa chọn sản phẩm nội thất gỗ thích hợp. 

Ứng dụng của gỗ trong thiết kế nội thất

Mỗi loại gỗ có ưu nhược điểm khác nhau, vì vậy với mỗi không gian nên chọn lựa loại vật liệu gỗ phù hợp. Dưới đây là một số ứng dụng của gỗ trong thiết kế nội thất nhà ở hiện nay. 

Ốp trần bằng gỗ 

Cũng tương tự như các loại trần thạch cao, trần tôn hay trần nhựa, trần tự nhiên được lắp ghép bằng những phôi gỗ trên nền trần bê tông cốt thép ban đầu của công trình. Những thanh gỗ đan thành hình con thoi, vuông hay chữ nhật trên trần mang tới nét độc đáo cho căn phòng. Ngoài ra, gia chủ có thể kết hợp các đường chỉ ốp gỗ cho trần thạch cao, điểm thêm những hoa văn sinh động.
Có thể sử dụng cả gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp để ốp trần. Tuy nhiên, trần gỗ tự nhiên sẽ có giá thành cao hơn so với trần gỗ công nghiệp. 

trần phòng khách ốp gỗ

Trần phòng khách ốp gỗ công nghiệp theo phong cách Indochine tạo nên nét đẹp hoài cổ trong không gian 

nội thất lâu đài bằng gỗ

Ảnh thực tế trần và tường được ốp hoàn toàn bằng gỗ trong một lâu đài tại Bắc Ninh. Những họa tiết trang trí vô cùng tinh tế được chạm khắc trên gỗ tạo nên nét đẹp độc đáo, sang trọng cho công trình.

Sàn lát gỗ 

Nhiều gia chủ hiện nay cũng lựa chọn lát sàn gỗ thay vì sử dụng gạch men bởi sàn gỗ có bề êm ái, thoải mái, giữ ấm cho lòng bàn chân về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Đặc biệt, loại sàn này có tác dụng chống trơn trượt, hạn chế va đập rất tốt, đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ, người già.

Hiện nay, có ba loại ván sàn gỗ là gỗ tự nhiên, gỗ ép và gỗ công nghiệp. Sàn gỗ tự nhiên có vân gỗ đẹp nhưng dễ bị mòn. Gỗ công nghiệp và gỗ ép ổn định hơn về kích thước. Màu của gỗ lát sàn có thể cùng tông hoặc tương phản với các vật dụng nội thất khác nhưng luôn phải đảm bảo sự hài hòa trong toàn bộ thiết kế.

nội thất phòng ngủ sàn gỗ

Phòng ngủ sử dụng sàn gỗ. Các đồ nội thất gỗ khác trong phòng có thiết kế đơn giản để tránh mang đến sự nặng nề cho không gian 

phòng karaoke sàn gỗ

Phòng karaoke tại gia lát sàn gỗ, âm thanh phản xạ kém hơn, từ đó gia tăng khả năng cách âm cho căn phòng

nội thất sàn gỗ cho phòng thờ

Phòng thờ sàn gỗ

Các đồ nội thất rời 

Nội thất bằng gỗ hiện nay thường là kệ, tủ quần áo, tủ tivi, bàn ghế, các vật dụng trang trí như bình phong, chậu hoa, tượng, điêu khắc… hay thậm chí đến các đồ dùng như muỗng, nĩa, chén ăn cơm, lược chải đầu, đồ trang sức… cũng được làm từ gỗ. 

Đối với phòng khách, cửa chính ra vào thường ưu tiên sử dụng chất liệu gỗ tự nhiên bởi các ưu điểm đặc biệt vượt trội so với các loại vật liệu khác như: sự chắc chắn trong kết cấu của gỗ, vẻ ngoài quý phái, khả năng cách âm tốt và sự bền bỉ với thời gian. Cửa gỗ lớn với thiết kế tinh xảo, cầu kỳ, được chạm trổ một cách đẹp mắt nhằm tạo điểm nhấn cho ngôi nhà chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua cũng đã rất ấn tượng.

cửa ra vào bằng gỗ

Cửa chính được làm bằng chất liệu gỗ vô cùng chắc chắn, kết hợp thêm họa tiết trang trí làm gia tăng nét sang trọng đẳng cấp 

Đối với phòng bếp, tủ bếp có thể được làm từ vật liệu gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, bếp là khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước, lửa nên tủ bếp cần  phải có khả năng chịu nhiệt, chịu ẩm, dễ dàng vệ sinh và tránh bị cong, vênh sau một thời gian dài sử dụng. 

Đối với phòng ngủ thì hầu như nhà nào cũng sử dụng giường ngủ làm từ gỗ. Với chất liệu gỗ tự nhiên luôn, giường ngủ sẽ mang đến cho người dùng những giấc ngủ ngon bởi sự chắc chắn và không có những mùi hương khó chịu. Đặc biệt, với các gam màu trầm ấm của gỗ tự nhiên kết hợp với những đường vân vừa mang nét cổ điển vừa vô cùng hiện đại và sang trọng.  
Bên cạnh đó, những vách ngăn làm bằng gỗ được dùng để thay thế cho các bức tường nặng nề, gò bó cũng góp phần vừa tiết kiệm không gian vừa tạo nên vẻ đẹp sang trọng, đẳng cấp cho căn phòng của bạn. 

nội thất phòng ngủ bằng gỗ

Thiết kế nội thất gỗ trong phòng ngủ của 2 đứa trẻ 

Vật liệu gỗ ngày càng trở thành xu hướng trong thiết kế nội thất hiện đại và nội thất tân cổ điển. Những chất liệu gỗ thô mộc sẽ tạo ra môi trường sống mang tính thiền định và gần gũi với thiên nhiên. Nếu bạn muốn thiết kế nội thất nhà đẹp có sử dụng vật liệu gỗ với tỷ lệ thích hợp thì hãy liên hệ với kiến trúc Nam Cường qua hotline 0976 222 555 để được hỗ trợ tư vấn nhé. 



Thiết kế nội thất đẹp