Ứng dụng của gỗ công nghiệp trong thiết kế nội thất

18

May 2017

Ứng dụng của gỗ công nghiệp trong thiết kế nội thất

Trên thị trường hiện nay, nội thất gỗ công nghiệp không còn quá xa lạ với nhiều người. Với đặc tính bề, rẻ, đẹp, gỗ công nghiệp dần thay thế các nội thất được làm từ gỗ tự nhiên hoặc kim loại trong nhiều công trình nhà ở hiện nay. Bài viết hôm nay, kiến trúc Nam Cường sẽ cung cấp một số thông tin xoay quanh loại gỗ này để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất khi lựa chọn nội thất cho ngôi nhà của mình. 

Thế nào là gỗ công nghiệp? 

Khái niệm 

Rất nhiều bạn đã nghe đến khái niệm gỗ công nghiệp nhưng trên thực tế lại không dễ nhận biết loại gỗ này khi chúng được dùng để làm nội thất. Hiểu một cách đơn giản, bất cứ loại gỗ nào có sử dụng keo hoặc hóa chất để làm ra tấm gỗ đó thì được gọi là gỗ công nghiệp. 

Đa số gỗ công nghiệp được làm từ các loại gỗ rừng, cây thu hoạch ngắn ngày như keo, bạch đàn, cao su, nguyên liệu thừa, nguyên liệu tận dụng, tái sinh hay cành ngọn của gỗ rừng trồng để sản xuất. 

 

nội thất gỗ công nghiệp

Gỗ công nghiệp được sử dụng trong thiết kế nội thất hiện đại rất nhiều

Quan sát kỹ một tấm gỗ công nghiệp, bạn có thể thấy thành phần chính của nó là những vụn gỗ tơi, xốp. Nếu là ván MDF thì đó là những sợi gỗ. Nếu là ván dăm thì đó là những dăm gỗ. Gỗ ép, gỗ dán thì thành phần chính là những lớp gỗ mỏng được dán lại với nhau bằng keo một cách chắc chắn. 

Tên quốc tế của gỗ công nghiệp là Wood-Based Panel.

Ưu  điểm 

– Giá thành rẻ: Việc sản xuất nội thất gỗ công nghiệp thường đơn giản hơn nội thất gỗ tự nhiên rất nhiều. Nó không phải qua những công đoạn như chọn gỗ, tẩm sấy, chống mối mọt mà có thể sản xuất ngay. Vì vậy, nhân công làm cũng ít đi, chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, gỗ công nghiệp cũng có nhiều loại khác nhau nên mức giá cũng khác nhau nhưng chắc chắn là sẽ rẻ hơn nội thất gỗ tự nhiên. 

– Không cong vênh: Đây là một ưu điểm tuyệt vời mà gỗ công nghiệp sở hữu. Ưu điểm này hơn hẳn gỗ tự nhiên bởi gỗ tự nhiên vẫn rất dễ co ngót hoặc cong vênh khi gặp nhiệt độ nóng/lạnh. Với đặc tính không cong vênh, thợ thi công dễ dàng tạo thành các tấm gỗ có mặt phẳng nhẵn, sơn các màu khác nhau để phù hợp với sở thích của nhiều khách hàng. Với những nhà ở thiết kế theo phong cách hiện đại thì đây là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. 

– Thời gian thi công sản xuất nhanh: Như trên đã đề cập đến thì gỗ công nghiệp thời gian thi công nhanh hơn gỗ tự nhiên, có thể sản xuất hàng loạt vì phôi gỗ thường đã có sẵn, theo dạng tấm nên thợ chỉ việc cắt, ghép, dán, không mất công trong việc xẻ gỗ, bào và gia công bề mặt đánh giấy ráp…

gỗ công nghiệp trong thiết kế nội thất

Nội thất gỗ công nghiệp với giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, kiểu dáng phong phú đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng 

Nhược điểm 

Bất cứ một vật liệu xây dựng nào cũng mang trong mình những nhược điểm nhất định, không có gì là hoàn hảo và tuyệt đối 100%. Nội thất gỗ công nghiệp cũng có những nhược điểm sau:

- Độ bền kém: Tuổi thọ của một món đồ nội thất được làm từ gỗ công nghiệp thường kéo dài tối đa 10 năm. Nếu bạn không biết cách sử dụng, giữ gìn thì tuổi thọ của món đồ sẽ rất ngắn, vài năm hoặc vài tháng sau khi mua về dùng. Một trong những điều làm tuổi thọ của gỗ công nghiệp giảm chính là các phụ kiện đi kèm như bản lề cánh tủ, ray trượt ngăn kéo. Nếu cơ sở sản xuất sử dụng những phụ kiện có chất lượng thấp thì rất dễ làm hỏng đồ nội thất như gãy bản lề, hoặc bung ray trượt.

- Khả năng chịu lực kém hơn so với nội thất gỗ tự nhiên rất nhiều.

- Dễ thấm hút nước: Do thành phần chính của gỗ công nghiệp là các vụn gỗ nên chúng rất dễ thấm nước, làm bung chất kết dính khiến món đồ không còn sử dụng được. Vì vậy, thợ thi công thường phải sơn 4-7 lớp để chống thấm nước vào cốt gỗ. Khi mua nội thất gỗ công nghiệp về sử dụng, bạn cần đặt ở chỗ khô ráo, tránh tiếp xúc với nước để tăng độ bền cho món đồ. 

- Không thể chạm khắc những chi tiết mỹ thuật lên gỗ công nghiệp. 

Trong thời đại hiện nay, đồ nội thất có thể thay đổi hàng năm hoặc một vài năm theo model tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình nên nhiều gia chủ không còn quá để ý đến những nhược điểm kể trên của gỗ công nghiệp. Tuy nhiên, với những gia đình hạn chế về tài chính thì bạn cần lưu ý và cân nhắc khi đưa ra lựa chọn nên mua hay không. 

Các loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay 

Gỗ dán (Plywood)

 


 

Gỗ dán được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế nội thất hiện nay 

- Cấu tạo: Gỗ dán có cấu tạo gồm nhiều lớp gỗ mỏng có độ dày khoảng 1mm.Các lớp gỗ này được sắp xếp vuông góc theo hướng vân gỗ của mỗi lớp, rồi được ép vào nhau dưới nhiệt độ và áp suất cao. Keo chuyên dụng có tác dụng liên kết các lớp gỗ một cách chắc chắn. 

- Tính chất:  +Do các lớp gỗ được đặt đan xen nhau nên gỗ dán có độ cứng và độ bề khá cao. Loại gỗ này cũng ít chịu ảnh hưởng bởi nước. Khi tiếp xúc với nước, tấm ván gỗ dán cũng không dễ bị phồng như ván MDF. 

+ Với độ dày từ 3mm trở lên, khi bắt vít hoặc đinh lên tấm ván cũng rất bám dính. 

+ Gỗ dán  chịu ẩm khá tốt trong môi trường thoáng khí.  Tuy nhiên, khi cắt, cạnh ván dễ bị sứt mẻ. Nếu không được xử lý đúng tiêu chuẩn thì ván dễ bị cong vênh, bề mặt gồ ghề và dễ bị tách lớp khi ở môi trường có độ ẩm cao.

- Độ dày phổ biến: 3mm, 5mm, 6mm, 8mm, 10mm, 12mm, 15mm, 18mm, 20mm, 25mm

- Ứng dụng trong cuộc sống: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm lõi cho bề mặt veneer. Loại chịu nước làm coppha, gia cố ngoài trời... 

Gỗ ván dăm (OKAL)

 

Ván dăm có thể tự phân hủy sinh học theo thời gian

- Cấu tạo: Trong gỗ ván dăm có 80% gỗ, 9 - 10% là keo UF, 7-10% là nước và <0,5% là các thành phần khác như Parafin, chất làm cứng… Để tăng khả năng chống ẩm thì các thợ làm gỗ thường thêm Melamine vào keo UF. Để tăng khả năng chống cháy thì sử dụng thạch cao, xi măng làm chất kết dính. 

- Tính chất: Không co ngót,  ít mối mọt, chịu lực vừa phải. Bề mặt có độ phẳng mịn tương đối cao. Do có cấu tạo từ các dăm gỗ nên khi cắt, các cạnh cắt thường bị mẻ. Tuổi thọ của các đồ nội thất làm bằng ván dăm nhìn chung thấp hơn các loại ván công nghiệp khác. Loại chịu ẩm thường có lõi màu xanh. 

+ Độ dày thông dụng: 9mm, 12mm, 18mm, 25mm

+ Ứng dụng trong cuộc sống: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt cho phủ MFC, PVC ... làm lớp cốt hoàn thiện tốt cho nhiều loại vật liệu hoàn thiện bao gồm cả sơn các loại. 

Gỗ MDF

 
  

Gỗ MDF loại thường chịu nước kém hơn so với MDF lõi xanh 

MDF là tên viết tắt của  Medium Density Fiberboard nghĩa là ván sợi mật độ trung bình. 

+ Cấu tạo: Gỗ tự nhiên loại thường, nghiền mịn, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường theo quy cách.

+ Tính chất: Không nứt, không co ngót, tương đối mềm, chịu lực yếu, dễ gia công. Bề mặt có độ phẳng mịn cao, ít cong vênh và có khả năng chống mối mọt tốt. Gỗ MDF gồm 2 loại là ván gỗ thường và ván gỗ chống ẩm. Với ván gỗ MDF chống ẩm thường có lõi màu xanh lá nhạt, chống ẩm mốc, mối mọt vượt trội, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của Việt Nam.

+ Độ dày thông dụng: 3mm, 4mm, 5mm, 6mm, 9mm, 12mm,15mm, 17mm,  18mm, 20mm, 25mm

+ Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt cho phủ MFC, PVC ... làm lớp cốt hoàn thiện rất tốt cho nhiều loại vật liệu hoàn thiện bao gồm cả sơn các loại.  

Gỗ HDF 

 


Tên đầy đủ của loại gỗ này là High Density Fiberboard, là một loại  gỗ ván ép, được phát triển dựa trên cơ sở khắc phục nhiều nhược điểm của các loại gỗ ván dăm như MDF, MFC và nâng cao chất lượng hơn cho cốt gỗ. 

- Cấu tạo: HDF có cấu tạo từ 80-85% gỗ tự nhiên loại thường, nghiền mịn, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường với độ ép rất cao.

- Tính chất: 

+ bề mặt nhẵn mịn, không có dăm gỗ, không có khoảng rỗng li ti như ở gỗ MDF.

+ có độ chịu lực rất tốt, không bị biến dạng hay gãy khi chịu va đập mạnh.

+ khả năng giãn nở rất thấp, đảm bảo độ bền và hạn chế hư hại khi gặp nước, hay nhiệt độ cao.

+ khả năng cách âm, chống ồn rất tốt.

+ khả năng chống mối mọt tốt, an toàn với sức khỏe, không gây dị ứng hay ngộ độc cho con người.

- Độ dày phổ biến: 3mm, 6mm, 9mm, 12mm,15mm, 17mm,  18mm, 20mm, 25mm

-  Ứng dụng trong cuộc sống: Gia công phần thô đồ nội thất cao cấp, làm cốt ván sàn gỗ công nghiệp ... 

Gỗ MFC Melamine


 

 MFC là từ viết tắt của Melamine Faced Chipboard nghĩa là ván phủ Melamine

- Cấu tạo: Gỗ MFC gồm 2 phần: lõi ván dăm và bề mặt phủ melamine

+ Phần ván dăm được làm từ các cây có thu hoạch ngắn ngày như keo, cao su, bạch đàn. Thân cây sẽ được nghiền nhỏ thành các dăm gỗ, kết hợp với keo và ép lại thành tấm bằng cường độ áp suất nén cao.

+ Mặt Melamine có tác dụng làm đẹp hơn cho tấm gỗ, đồng thời tăng khả năng chống trầy xước, chống cháy và chống thấm bề mặt gỗ. Tùy theo từng nhà sản xuất mà bề mặt ván có giả vân gỗ hoặc giả kim loại. 

- Tính chất:

+ Bề nhẵn, phẳng, mịn có khả năng chống cháy rất tốt

+ Giá thành rẻ 

+ Lõi gỗ dăm bám ốc vít tốt, tạo độ chắc bền hơn cả gỗ MDF.

+ Màu sắc Melamine đa dạng, dễ lựa chọn. 

+ Thời gian thi công nhanh

- Độ dày phổ biến 18mm, 25mm. Tùy vào từng yêu cầu của khách hàng mà nhà sản xuất có thể làm gỗ MFC 1 mặt. Ván MFC còn có kích thước tiêu chuẩn khác: 1830mm Rộng x 2440mm x 18mm/25mm Dày

+ Ứng dụng trong cuộc sống: Gia công đồ nội thất, đặc biệt là nội thất văn phòng. Nhược điểm là hạn chế tạo dáng sản phẩm, xử lý cạnh và ghép nối. Cạnh chủ yếu hoàn thiện bằng nẹp nhựa sử dụng máy dán cạnh chuyên dụng. 

Gỗ Veneer 

+ Cấu tạo: Là gỗ tự nhiên được bóc thành lớp mỏng từ 0,3 - 1mm rộng 130-180mm. Thông thường được ép lên bề mặt gỗ dán plywood dày 3mm

+ Tính chất: Bản chất bề mặt cấu tạo là gỗ thịt, phù hợp với mọi công nghệ hoàn thiện bề mặt. Độ cứng phụ thuộc nhiều vào xử lý PU bề mặt.

+ Độ dày thông dụng: tấm ép sẵn 3mm hoặc có thể theo đặt hàng.

+ Ứng dụng: Là vật liệu hoàn thiện rất đẹp cho nhiều sản phẩm nội thất. Giống gỗ tự nhiên, giá thành cạnh tranh, tạo hình phong phú  

Gỗ nhựa

+ Cấu tạo: Đây là một loại vật liệu được tạo thành từ bột nhựa PVC với một số chất phụ gia làm đầy có gốc cellulose hoặc vô cơ

+ Tính chất: Chịu ẩm tốt, nhẹ, dễ gia công

+ Độ dày thông dụng: 5mm, 9mm, 12mm, 18mm

+ Ứng dụng: Gia công đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt phủ các loại Acrylic 

Gỗ ghép

+ Cấu tạo: Những thanh gỗ nhỏ ( thường gỗ cao su, gỗ thông, gỗ xoan, gỗ keo, gỗ quế, gỗ trẩu) sử dụng công nghệ ghép lại với nhau thành tấm

+ Tính chất: Rất gần với các đặc điểm của gỗ tự nhiên

+ Độ dày thông dụng: 12mm, 18mm

+ Ứng dụng: Sản xuất đồ nội thất gia đình và văn phòng. 

 

 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc thi công nội thất công nghiệp cao cấp, kiến trúc Nam Cường luôn tự tin mang đến không gian đẹp cho nhà hàng, khách sạn, biệt thự, nhà ở, chung cư, shop thời trang… Với đội ngũ nhân viên lành nghề, nhà xưởng rộng rãi, hệ thống trang thiết bị hiện đại chắc chắn chúng tôi sẽ giúp biến căn hộ của bạn thành một ngôi nhà đáng mơ ước để sống nhất. Liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 0976 222 555 để được báo giá tốt nhất. 

 



Thiết kế nội thất đẹp